Phương pháp chứng minh chia hết

 

Bài toán chia hết là bài toán quan trọng trong các bài toán số học sơ cấp, trong chương trình trung học cơ sở các bài toán liên quan đến chia hết xuất hiện nhiều trong các kì thi học sinh giỏi cũng như thi vào 10. Trong loạt bài viết này, tôi xin trình bày những phương pháp chứng minh chia hết, giúp các em ôn tập tốt hơn trong kì thi vào 10.

Phương pháp 1. Biến đổi thành tích.

Để chứng minh $A$ chia hết cho $B$, ta có thể làm như sau:

  • Biến đổi $B = C \cdot D$ với $(C, D)=1$ và chứng minh $A$ chia hết cho $C$ và $D$.
  • Biến đổi $A = M \cdot N$ và $B = C \cdot D$, trong đó $M$ chia hết cho $C$ và $N$ chia hết cho $D$.

Ví dụ 1. Chứng minh rằng

a) Tích hai số chẵn liên tiếp chia hết cho 8.

b) Tích bốn số tự nhiên liên tiếp chia hết cho 24.

Lời giải

a) Gọi hai số chẵn liên tiếp là $2n, 2n+2$.

Ta có $2n(2n+2) = 4n(n+1)$. Do $n,n+1$ là hai số liên tiếp nên chắc chắn có một số chẵn, suy ra $n(n+1)$ chia hết cho 2, mà $4$ chia hết cho 4. Suy ra $4n(n+1)$ chia hết cho 8.

Vậy tích hai số chẵn liên tiếp chia hết cho 8.

b) Tích bốn số tự nhiên liên tiếp là $A = n(n+1)(n+2)(n+3)$, ta chứng minh $A$ chia hết cho 24. Ta có $24 = 3 \times 8$ với $(3,8)=1$, nên ta cần chứng minh $A$ chia hết cho 3 và 8.

Nếu $n$ lẻ thì $n+1, n+3$ là hai số chẵn liên tiếp tích chia hết cho 8, suy ra $A$ chia hết cho 8.

Nếu $n$ chẵn thì $n, n+2$ là hai số chẵn liên tiếp, tích chia hết cho 8, suy ra $A$ chia hết cho 8.

Trong ba số  liên tiếp $n, n+1, n+2$ có ít nhất một số chia hết cho 3 nên $A$ chia hết cho 3.

$A$ chia hết cho 3, 8 và $(3,8)=1$, do đó $A$ chia hết cho 24.

Ví dụ 2.  Chứng minh rằng với mọi số tự nhiên $m$ lẻ thì $m^3 + 3m^2 – m – 3$ chia hết cho $48$.

Lời giải

Đặt $A = m^3+3m^2-m-3$, ta có $A = (m+3)(m^2-1)$.

Do $m$ lẻ nên $m = 2n + 1$, $n$ là số tự nhiên. Khi đó $A = (2n+4)((2n+1)^2-1) = 8n(n+1)(n+2)$.

Ta có $n(n+1)(n+2)$ là tích 3 số tự nhiên liên tiếp nên chia hết cho 2 và 3, do đó chia hết cho 6.

Vậy $A$ chia hết cho 48.

Ví dụ 3.  Cho $n$ là số tự nhiên thỏa $n = \dfrac{x^2-1}{2} = \dfrac{y^2-1}{3}$ với $x, y$ là các số nguyên.
a) Chứng minh $n = y^2 – x^2$.
b) Chứng minh $n$ chia hết cho 20.

Lời giải

a) $n = \dfrac{x^2-1}{2} = \dfrac{y^2-1}{3} = \dfrac{y^2-1-(x^2-1)}{3-2} = y^2-x^2$.

b) Ta chứng minh $n$ chia hết cho 4 và 5.

Ta có $n = \dfrac{x^2-1}{2}$, suy ra $x$ lẻ, $x = 2k+1$, khi đó $n = \dfrac{(2k+1)^2-1}{2} = 2k(k+1)$ chia hết cho 4.

Ta có $n = \dfrac{x^2+y^2-2}{5}$, suy ra $x^2+ y^2$ chia 5 dư 2. (1)

Mà $x^2, y^2 \equiv 0, 1, 4 (\mod 5)$.

Do đó (1) chỉ xảy ra khi $x^2 \equiv y^2 equiv 1 (\mod 5)$, suy ra $n=x^2 – y^2$ chia hết cho 5.

Vậy $n$ chia hết cho 20.

Bài tập rèn luyện

Bài 1. Chứng minh rằng hiệu các bình phương của hai số lẻ liên tiếp thì chia hết cho $8$.
Bài 2. Chứng minh rằng nếu $n$ là số chẵn thì $n^2 + 2n$ chia hết cho $8$.
Bài 3. Chứng minh rằng nếu $n$ là số lẻ thì $n^2 – 1$ chia hết cho $8$.
Bài 4. Chứng minh rằng với mọi số tự nhiên $n$ thì $n^4 + 6n^3 + 11n^2 + 6n$ chia hết cho $24$.
Bài 5. Chứng minh rằng nếu $n$ không chia hết cho $3$ thì $n^2 – 1$ chia hết cho $3$.
Bài 6. Chứng minh rằng với mọi số tự nhiên $n$ thì $n^5 – n$ chia hết cho $30$.
Bài 7. Chứng minh rằng nếu $p$ là số nguyên tố lẻ lớn hơn $3$ thì $p^2 – 1$ chia hết cho $24$.
Bài 8. Chứng minhg rằng với mọi số tự nhiên $n$ lẻ thì $n^{12} – n^8-n^4+1$ chia hết cho $512$.
Bài 9. Chứng minh rằng với mọi số $n$ chẵn thì $n^4-4n^3-4n^2+16n$ chia hết cho $384$.
Bài 10. Cho $12$ số tự nhiên có tổng chia hết cho $6$.

Chứng minh rằng tổng lập phương của $12$ số đó cũng chia hết cho $6$.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *