Viết – Một kĩ năng quan trọng trong việc học toán.

Tôi có lần được nghe giáo sư Ngô Bảo Châu nói chuyện tại Hội trường khu đô thị ĐHQG TPHCM, tối hôm qua tôi lại thêm lần nữa nghe giáo sư nói chuyện trong một hoàn cảnh khác hẳn, đó là buổi tọa đàm trên nền tảng online Zoom, dưới sự dẫn dắt của GS Trần Vĩnh Hưng (bạn tôi) GS Châu và GS Long đã có một buổi nói chuyện vui vẻ, thoải mái đề cập nhiều vấn đề các HSSV và các bạn nghiên cứu toán quan tâm.
Trong buổi nói chuyện lần này, chủ đề không phải là các vấn đề đao to búa lớn như lần trước, mà GS Hưng đã đặt ra các câu hỏi trọng tâm xoay quanh việc giảng dạy nghiên cứu toán của các giáo sư. Câu chuyện đề cập các vấn đề về những thuận lợi khó khăn trong việc nghiên cứu giảng dạy trong điều kiện dịch Covid đang tàn phá dữ dội, những kỉ niệm, thách thức trong qua trình tìm ra những công trình giá trị, hay các phương pháp, kĩ năng, tính cách cần thiết của các bạn muốn làm nghiên cứu cũng nhưng cơ hội của các bạn HSSV trong giai đoạn sắp tới. Các vấn đề đều được nêu ra và giải đáp tận tính, vô tư cấp thiết.
Trong câu chuyện này tôi cũng thấy được một vấn đề mà phù hợp với mình để chia sẻ với mọi người: đó là kĩ năng viết khi cần cụ thể hóa một ý tưởng hay một cách chứng minh. Các GS có kể về một số chuyện vui xung quanh vấn đề này, nhưng tựu trung mọi người đề đánh giá kĩ năng viết là một kĩ năng quan trọng mà các em cần phải luyện tập ngay trong nhà trường phổ thông.
Tôi thường được giao nhiệm vụ dạy chuyên toán 10, thưởng xuyên gặp các bạn học sinh rất giỏi, rất thông minh nhạy bén với các ý tưởng, nhưng khi lên bảng trình bày thì đó là thảm họa: Các em thường trình bày lung tung, sử dụng kí hiệu loạn xạ và cuối cùng không ai hiểu được bạn viết gì. Tôi tìm hiểu kĩ hơn về các bạn này, thường các bài kiểm tra với các bài toán dễ điểm cũng khá thấp vì làm sai,..và dần dần tôi phát hiện các bạn không bao giờ trình bày một cách cụ thể các bài toán dễ, thường chỉ ghi đáp số, hoặc ghi một vài ý, từ gì đó mà tôi không biết, kiểu áp dụng định lí abc, áp dụng tính chất xyz rồi bỏ sang bài khác. Các bạn không có thói quen trình bày rõ rang một bài toán cụ thể nào đó, đến khi gặp những bài khó hơn, rắc rối hơn thì lại viết linh tinh. Trong lúc dạy tôi hay đặt mình vai là học sinh kém nhất lớp khi đọc lời giải các bạn, tôi phải hiểu được các bạn viết thì các bạn khác mới hiểu được.
Hiện nay toán trắc nghiệm dần trở nên phổ biến, ngay cả từ cấp học nhỏ tuổi các bạn chỉ giải các bài toán chỉ cần khoanh đáp số, hoặc điền khuyết đáp số mà vẫn có giải này giải kia, do đó việc trình bày bài toán rõ ràng không được xem trọng, đến khi gặp các bài toán phức tạp hơn thì không trình bày được.
Ngoài kĩ năng viết, việc trình bày tập cũng rất đáng chú ý, có nhiều bạn học sinh lại viết rất nhiều môn vào một cuốn tập, trước viết bài, sau thì làm nháp, bìa thì thì không có tên họ, viết lung tung, ..rất cẩu thả, khi đánh máy cũng đánh máy ẩu, kí hiệu dùng không chuẩn xác, tạo thành một cái lẩu thập cẩm không hiểu viết gì.
Kĩ năng viết, trình bày lời giải thật rất quan trọng, có thể viết dài, nhưng mọi thứ phải chặt chẽ rõ ràng, triển khai các ý logic, sử dụng kí hiệu đúng đắn phù hợp cho hoàn cảnh, các em hãy luyện tập kĩ năng này với các bài toán dễ nhất, đơn giản nhất, từ đó áp dụng cho các bài toán khó hơn phức tạp hơn, tạo tiền đề đi xa hơn.
Cảm ơn các GS Châu, GS Long và GS Hưng đã có một buổi tọa đàm thật sự bổ ích cho các bạn đam mê toán, đang tìm kiếm các cơ hội để đi xa hơn với toán học.